BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG TƯỚI NHỎ GIỌT.
Để tối ưu hóa hoạt động, hệ thống tưới nhỏ giọt cần được bảo dưỡng định kỳ. Mặc dù trong những năm gần đây, sự phát triển và cải tiến của thiết kế giúp ngăn chặn rủi ro tắc nghẽn mắt nhỏ giọt, nhưng do chất lượng nguồn nước tưới không đồng nhất, quá trình tưới phân qua hệ thống tưới, bộ lọc không đảm bảo hoặc các yếu tố môi trường khác, bảo dưỡng hệ thống tưới nhỏ giọt là một yêu cầu cần được ưu tiên.
Để tăng tối đa hiệu quả của hệ thóng tưới nhỏ giọt, vấn đề quan trọng là mỗi hệ thống phải được thiết kế, lắp đặt và vận hành kết hợp với một chương trình bảo dưỡng thích hợp. Việc bảo dưỡng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cho hệ thống xài được lâu bền, vận hành hiệu quả hơn.
DANH MỤC KIỂM TRA BẢO DƯỠNG SỬA CHỮA THIẾT BỊ HỆ THỐNG TƯỚI NHỎ GIỌT BÀO GỒM:
1.Xúc rửa hệ thống
- Rửa ống tưới: Mở khóa cuối đường ống hoặc van trên ống thu nước và để nước chảy cho đến khi nước sạch xuất hiện. Chỉ mở đủ khóa cuối đường ống kế tiếp nhau sao cho tốc độ dòng chảy nhỏ nhất được duy trì.
- Rửa hệ thống: Từng khối một để đảm bảo hệ thống đủ áp lực và lưu lượng.
- Toàn bộ hệ thống nên được xúc rửa ít nhất mỗi năm một lần, hoặc hàng tháng nêý có thể. Tùy theo sự cần thiết của hệ thống.
- Đường ống chính và ống nhánh nên được rửa với áp lực cao và lưu lượng lớn để làm sạch bất kỳ cặn lắng nào tích tụ trên vách ống.
- Nếu hệ thống có đường ống chính bị vỡ, sau khi lắp lại đường ống, hệ thống phải được rửa trước khi cho hoạt động lại các ống tưới.
2. Máy bơm
Máy bơm khi đã vận hành 1000 giờ càn phải làm sạch ổ đỡ và thay dầu mỡ. Nếu vận hành 2000 giờ cần tháo kiểm tra tất cả các bộ phận, làm sạch, đánh rỉ, sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện hỏng. Khi không vận hành phải mở nút xả dưới vỏ bơm, tháo hết nước và lau sạch bề mặt bơm, cùng với đó bôi dầu để chống gỉ máy.
3. Động cơ
Đối với động cơ điện trong hệ thống cần bảo quản nơi khô ráo. Nếu vận hành thường xuyên, mỗi tháng nên kiểm tra một lần, 6 tháng sẽ tiến hành kiểm tra sửa chữa.
4. Thiết bị lọc nước
Thiết bị lọc nước phải thường xuyên được rửa sạch. Nếu lọc bị bẩn sẽ gây nên chênh lệch cột nước trước và sau thiết bị lọc nước lớn, làm cho hạt bùn cát dể đẩy qua và đưa vào đường ông đến các vòi tưới nhỏ giọt. Việc thau rửa thiết bị lọc nước được tiến hành khi đồng hồ đo áp lực trước và sau thiết bị lọc chênh nhau từ 3m – 5m. Phương pháp thau rửa tùy theo từng yêu cầu của thiết bị lọc. Nên tháo và cọ bẩn cho lọc trung bình 1 tháng/ lần.
5. Các đồng hồ áp lực, đo nước
Mỗi năm một lần khi kết thúc mùa tưới cần tiến hành bảo dưỡng, điều chỉnh đồng hồ đo.
6. Bảo dưỡng vòi tưới
Vòi tưới nhỏ giọt thường hay bị tắc, nên việc duy tu, bảo dưỡng, phòng ngừa tắc vòi nhằm đảm bảo cho hệ thống tưới hoạt động bình thường là hạng mục rất quan trọng. Cần thường xuyên kiểm tra tình hình làm việc của vòi và đo lưu lượng vòi. Nếu thấy lưu lượng giảm dần có nghĩa là vòi bị tắc, cần có biện pháp xử lý ngay. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước xem có chất lắng đọng của hóa chất sắt, muối cãni và lắng đọng bùn cát, sinh vật.Nếu có cần phải xử lý ngay và có biện pháp xử lý phòng ngừa.
LỊCH TRÌNH BẢO DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?
1. Khi vận hành hệ thống tưới lần đầu (sau khi lắp đặt)
- Súc xả đường ống chính (PVC hoặc HDPE), đường ống nhánh.
- Súc xả đường ống nhỏ giọt.
- Kiểm tra áp suất hoạt động (bar) và lưu lượng trong mỗi lần tưới.
- So sánh các thông số thực tế với thông số thiết kế (sai lệch không quá 5%).
2. Định kỳ hàng tuần (7 ngày)
- Kiểm tra lưu lượng và áp suất hoạt động trong mỗi lần tưới (khi hệ thống đã hoạt động ổn định sau 30 phút).
- Kiểm tra xem có nước ở cuối đường ống nhỏ giọt hay không.
- Kiểm tra áp suất chênh lệch trước và sau bộ lọc (một bộ lọc hoạt động tốt với áp suất chênh lệch giữa áp suất đầu vào và đầu ra trong khoảng 0.2 – 0.3 bar, nếu áp suất chênh lệch từ 0.5 bar thì bà con vệ sinh bộ lọc).
3. Định kỳ hàng tháng
- Kiểm tra lưu lượng và áp suất hoạt động sau bơm (thông thường đối với hệ thống có trang bị đồng hồ lưu lượng thì có thể kiểm tra được lưu lượng).
- Súc xả đường ống nhỏ giọt (tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước, nếu chất lượng nguồn nước kém: nhiều cáu bẩn, phù sa, tảo,.. thì nên xả đường ống thường xuyên hơn và ngược lại).
4. Định kỳ sau mỗi vụ (cây ngắn ngày) hoặc 6 – 12 tháng (cây dài ngày)
- Kiểm tra các mắt nhỏ giọt xem có bị tắc không.
- Kiểm tra hoạt động tất cả các van trên đường ống.
- Xả đường ống dẫn nước và ống nhánh.
- Nếu cần thiết, có thể xử lý bằng acid hoặc oxy già.
5. Định kỳ hàng năm:
- Sử dụng hóa chất hòa vào nước súc xả đường ống chính, ống nhánh và ống nhỏ giọt.
- Xả đường ống nhỏ giọt.
SÚC RỬA ĐƯỜNG ỐNG BẰNG OXY GIÀ (H2O2) NHƯ THẾ NÀO?
Oxy già là chất khử trùng và oxy mạnh, phản ứng nhanh giúp oxy hóa các tác nhân gây tắc nghẽn hệ thống tưới (thành phần hữu cơ, mangan, sắt, lưu huỳnh, vi khuẩn) và phân hủy tỏa nhiệt thành oxy và nước.
Chú ý: Oxy già là một hóa chất nguy hiểm cho con người. Cần đọc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi sử dụng.
Tỷ lệ lượng oxy già sử dụng để súc rửa đường ống tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước, tỷ lệ sử dụng thông thường từ 1 – 10 ppm (1 ppm = 1/1000000, một phần triệu).
Lưu ý: không sử dụng hóa chất súc rửa trong trường hợp trồng cây giá thể hoặc cây trồng có vùng rễ chưa phát triển mạnh.
Trên đây là một số chia sẻ của KaizenAgri về kỹ thuật bảo trì hệ thống tưới nhỏ giọt. Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.
Nếu có thắc mắc trong quá trình thực hiện các chỉ dẫn kỹ thuật, quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Nông nghiệp Kaizen để nhận sự hỗ trợ.
Văn phòng: Số 15 – NV8, Tổng cục 5 – Bộ Công An, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
Hotline: 086 6030909 – 086 9098080 (Facebook, Zalo, whatsApp,…)
Website: www.kaizenagri.com